Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Hòa  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa
I. Quá trình hình thành cộng đồng dân cư, làng xã ở Đông Hòa

      Nằm ở huyện Đông Sơn là trung tâm của đồng bằng Thanh Hóa, nơi cách đây vào khoảng 6.000 – 7.000 năm, sau những thay đổi về địa hình, điều kiện tự nhiên và khí hậu của trái đất, vùng đồng bằng Thanh Hóa nói chung, vùng Đông Sơn trong đó có Đông Hòa nói riêng đã hình thành tương đối ổn định với đất đai màu mỡ và khí hậu thuận hòa. Đó là nguyên nhân thu hút con người rời khỏi các hang động tiến xuống khai phá vùng đồng bằng. Đông Hòa cũng như cả vùng Đông Sơn thuở đó đã trở thành một trong những điểm tụ cư quan trọng của người Việt cổ. Ngay tại trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, liền kề huyện Đông Sơn những di ấn chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của người Việt cổ là di tích núi Đọ (tại xã Thiệu Tân, Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa) tiêu biểu cho thời kỳ đồ đá với dấu vết của người Việt cổ sống cách ngày nay gần 40 vạn năm.
      Trên đất Đông Hòa, với di chỉ khảo cổ học Bĩa Vác có niên đại 1.160 trước Công nguyên thuộc chặng sau cuối của thời đại đồng thau (còn gọi giai đoạn Quì chữ trên đất Thanh Hóa), chứng tỏ ngay từ thuở bình minh của lịch sử, cư dân Việt cổ đã có mặt tại Đông Hòa.
      Vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.000 năm), các tụ điểm dân cư nơi đây đã phát triển. Bằng chứng là khảo cổ học đã phát hiện tại Đông Hòa 4 di chỉ (Đồng Ngang, Bãi Phủ, Núi Quỳnh, Bãi Vác) thuộc nền văn hóa Đông Sơn cùng những chiếc trống đồng (Hơ gê loại I – loại trống đồng điển hình của nền văn hóa Đông Sơn) và nhiều hiện vật chất liệu bằng gốm, bằng đồng chứng tỏ tại vùng đất Đông Hòa cư dân đã phát triển đông đúc từ thời văn hóa Đông Sơn. Sự phát triển của các tụ điểm dân cư trong thời điểm này mà lúc đầu có tên là Kẻ Rủn đã góp phần xây dựng bộ Cửu Chân (Thanh Hóa) – một trong 15 bộ của nước Văn Lang thuộc các Vua Hùng dựng nước.
       Thời Bắc thuộc, vùng đất Đông Hòa thuộc huyện Tư Phố, quận Cửu Chân.
       Từ năm 420 (thời thuộc tiền Tống 420 – 479) quận trị Cửu Chân (Thanh Hóa) từ Tư Phố (làng Giàng, xã Thiệu Dương) dời về Đông Phố (thuộc xã Đông Hòa). Trở thành lỵ sở của quận (như cấp tỉnh nay) vùng đất Đông Phố (Đông Hòa) đã trở nên sầm uất và trực thuộc huyện Tư Phố, quận Cửu Chân.
Thời thuộc Tùy (603-617), Lê Ngọc (tức Lê Cốc) lag Thái thú quận Cửu Chân. Khi nhà Đường diệt nhà Tùy (năm 618), Lê Ngọc không theo đường mà tự xưng là Hoàng đế, cùng các con mình xây dựng kinh đô Trường Xuân (nay thuộc xã Đông Ninh), củng cố phát triển trang ấp tại Đông Phố (Đông Hòa) gọi là ấp Đồng Pho. Tên Đồng Pho có từ đây là do mẹ của Lê Ngọc cai quản. Cùng với Đồng Pho, Lê Ngọc còn cho xây dựng một loại ấp khác cũng nằm men theo sông Hoàng như: Duỗn (hay Rủn nay thuộc xã Đông Khê), Vạn Lộc (nay thuộc xã Đông Ninh), Đồng Xa (nay thuộc huyện Triệu Sơn), Đồng Vinh (nay thuộc huyện Triệu Sơn) làm cơ sở cát cứ, lãnh đạo nhân dân ta chống lại Đường. Lê Ngọc cùng 4 người con và các nghĩa sĩ đã chiến đấu kiên cuowgf và hi sinh oanh liệt. Ghi nhớ công lao của cha con Lê Ngọc nhân dân Đồng Pho cũng như nhiều làng (thuộc Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống ngày nay) đã tôn thờ làm thành hoàng làng và phối thờ tại đền gọi chung là “Đức Thánh ngũ vị”.
      Từ thời nhà Tùy (603-617), Đường (618-905) đến thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ X) Đồng Pho thuộc huyện Cửu Chân, Châu Ái.
      Thời Lý (thế kỷ XI – XII), Đồng Pho thuộc huyện Cửu Chân, lộ rồi trại Thanh Hóa.
      Thời Trần – Hồ và thờ thuộc Minh, đổi huyện Cửu Chân (còn gọi là huyện Đông Dương, Đông Cương) thành huyện Đông Sơn, Đồng Pho thuộc huyện Đông Sơn, phủ lộ Thanh Hóa rồi trấn Thanh Độ (vào năm Quang Thái thứ 10 (Trần Thuận Tông – 1397) và Phủ Thanh Hóa (thời thuộc Minh).
      Thời Lê – Nguyễn, Đồng Pho thuộc huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Thanh Hóa, rồi Thanh Hóa xứ (thời Lê) phủ Thiệu Hóa (thời Nguyễn) và đến năm 1928 là phủ Đông Sơn. Đặc biệt, Đông Phố (Đông Hòa) trở thành lỵ sở trải nhiều thế kỷ là trung tâm của quận Cửu Chân (thời thuộc Tống, Tùy, Đường), Ái Châu (thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý). Đến thế kỷ XII (thời Lý) danh tướng Lý Thường Kiệt mới cho chuyển lỵ sở về Duy Tinh (thuộc xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc). Là lỵ sở trong suốt thời gian dài, lại là vùng đất đai màu mỡ thuận lợi về phát triển nông nghiệp nên Đông Phố (Đông Hòa) đã có điều kiện Sớm phất triển làng xã, thu hút cư dân khắp các vùng, miền trong ngoài tỉnh tới lập nghiệp với nhiều dòng họ ngày một đông đúc. Ngoài cư dân bản địa bao gồm các dòng họ Dương (Nhà thờ họ tại xóm Bái Địch cũ nay là xóm Bình), Hà (xóm Cựu) và Thạch (Xóm Ngõ Lẻ) đã cư trú tại Đồng Pho tự lâu đời, về sau đã có thêm một số dòng họ về đây lập nghiệp như: Nguyễn Đình; Lê (ông Cả); Lê (ông Quản); Lê (ông Trực); Lê (ông Đồng); Lê Trọng; Trần; Nguyễn Tài, Nguyễn Thiện; Lê Quang; Nguyễn Bá; Lê Bá; Hoàng…. Đến nay toàn xã có 21 dòng họ.
      Từ thời Nguyễn đến trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 xã Đồng Pho thuộc tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn gồm có 3 thôn, mỗi thôn bao gồm các xóm như sau:
      - Thôn Thượng Thọ gồm các xóm: Bình, Bái, Chính, Tự, Hợp, Thượng, Ngoc Bình và Ngõ Bôn.
      - Thôn Trung Hòa gồm các xóm: Đại, Cựu, Chùa, Ngõ Lẻ.
      - Thôn Đông Thành gồm các xóm: Thư, Nghĩa, Phú Hiền.
      Sau cách mạng tháng Tám thành công đến tháng 4 năm 1946, chính quyền cách mạng xóa đơn vị tổng và chia 7 tổng của Đông Sơn thành 22 xã. Lúc này Đồng Pho có thêm 3 làng sáp nhập vào là Dự Mao, Vân Đô, Tuân Hóa và lập thêm xóm Minh (do san cư dân từ các xóm Thư, Đại, Phú).
Năm 1948, huyện Đông Sơn tổ chức lại đơn vị hành chính gồm 13 xã: Đông Hòa, Đông Khê, Đông Ninh, Đông yên, Đông Thọ, Đông Lĩnh, Đông Tiến, Đông Anhm Đông Phú, Đông Quang, Đông Hương, Đông Vệ, Đông Hưng. Tên xã Đông Hòa có từ đây.
      Tháng 12 năm 1953, huyện Đông Sơn tách 13 xã thành 22 xã, riêng 4 xã Đông Hòa, Đông Phú, Đông Quang và Đông Khê vẫn giữ nguyên.
      Đến tháng 11 năm 1954, huyện Đông Sơn chia 4 xã trên thành 8 xã mới, Đông Hòa chia thành 2 xã là Đông Hòa và Đông Minh, ổn định về hành chính từ đây.
      Ngày 5 tháng 7 năm 1977, thực hiện Quyết định số 177/CP của Hội đồng Chính phủ sáp nhập 16 xã ở hữu ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa nhập vào huyện Đông Sơn thành lập huyện mới lấy tên là huyện Đông Thiệu, xã Đông Hòa thuộc huyện Đông Thiệu.
      Ngày 30 tháng 8 năm 1982, theo Quyết định số 149/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Đông Thiệu đổi tên thành huyện Đông Sơn. Ngày 18 tháng 11 năm 1996, thực hiện Nghị định 72/CP của Chính phủ về việc chia tách huyện Đông Sơn và Thiệu Hóa, huyện Đông Sơn còn lại 20 xã, thị trấn. Xã Đông Hòa trực thuộc huyện Đông Sơn.
      Hiện nay xã Đông Hòa gồm 12 xóm: Minh, Phú, Hiền, Thư, Bình, Chính, Thượng, Tự, Cựu, Đại, Tân, Hòa.
 
II. Trải qua quá trình hàng ngàn năm lao động sáng tạo xây dựng xóm làng, quê hương và đóng góp vào công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc, các thế hệ người Đông Hòa đã hun đúc nên những giá trị lịch sử, văn hòa giàu bản sắc.

* Về giáo dục: Đông Hòa xưa, kể từ thời phong kiến đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong học hành khoa cử, chí có một số ngườ đỗ đạt, nhưng truyền thống hiếu học nơi đây vẫn được ghi đậm nét. Nhiều gia phả các dòng hộ ở Đông Hòa đã ghi chép nêu cao tinh thần khuyến học. Các gia đình, dòng họ ngoài việc giáo dục đạo đức, lẽ sống cho con cháu đã đặc biệt coi trọng giáo dục, học hành khoa cử. Về Hán học Đồng Pho đã có các vị đỗ Hương cống (cử nhân) như: Nguyễn Quốc Huân (đỗ năm 1705) và Lê Hồng Tiệm (đỗ năm 1717 khi mới 17 tuổi). Tuy không có người đỗ đại khoa, nhưng việc học chữ Hán và người biết chữ Hán ở Đồng Pho xuất hiện khá sớm; lực lượng khóa sinh biết chữ Hán khá đông đảo đã đóng góp vào sự phát triển giáo dục, vă hóa cho quê huowg. Tiêu biểu là cống hiến của các danh nhân văn võ song toàn như Lê Ngọc (tức Lê Cốc – thời thuộc Đường thế kỷ thứ VII) đã đứng lên cùng nhân dân ta chống giặc và hi sinh oanh liệt. Đặc biệt, thọ quận công Nguyễn Đăng Khoa (thời Lê Trung Hưng) – một tấm gương tự luyện rèn văn võ, đức độ đã được triều đình và nhân dân khắc ghi công tích vào bia đá dựng tại đền thờ ông “Thọ quận công là nguoiwg trung với vua, có công với nước, với dân, hiếu với cha. Đối với công việc, kính trên hòa dưới”… Văn bia còn ghi ông là “trấn thủ xứ Thanh Hoa được phong tặng Đôn hậu dực vận, tán trị công thần, tiến phong kim tử vinh lộc đại phu, ty lễ giám, tổng thái giám, chưởng giám sự, thước thọ quận công”.
Các làng xã Đồng Pho (Đông Hòa) đã có những hình thức và biện pháp khuyến khích, chăm lo việc giáo dục học hành. Trong đó, tổ chức Hội tư văn (còn gọi là lằng văn, lập văn chỉ tại xóm Cựu) nhằm tập hợp tầng lớp nho sĩ đã được các làng chú trọng xây dựng. Hội tư văn đã đẩy mạnh việc khuyến khích học hành thông qua việc thực hiện tế lễ ở Văn chỉ - nơi thờ đức Khổng Tử và các vị tiên hiền, tổ chức các cuộc bình văn thơ, giảng sách – một hình thức học tập ngay tại làng. Bên cạnh đó, còn có Hội tư võ (làng Võ) tập hợp những vị võ nghiệp, lập võ chỉ tại làng Chùa (nay là xóm Tự) nơi sinh hoạt tế lễ khuyến khích học rèn võ nghệ. Ngoài ra, hội tư văn còn giúp chức dịch làng xã trong việc quản lý về mọi mặt. Các thành viên Hội tư văn không chỉ là người có học mà còn là ngườ có đạo đức, tư cách chuẩn mực của kẻ sĩ – người quân tử. Do đó, tổ chức Hội tư văn được dân làng tín nhiệm, chức dịch và quan trên kính nể. Các gia đình Đồng Pho (Đông Hòa) xưa dù khó khăn mấy cũng sắp xếp cho con em theo học, nếu không đỗ đạt làm quan cũng vào Hội tư văn để có tiếng nói giữa làng. Bởi vậy tại Đồng Pho xưa, những lớp học chữ nho do thầy đồ dạy tại làng được các gia đình, dòng họ, làng xã hết mực quan tâm. Tiêu biểu là thấy Nguyễn Văn Đảng (còn gọi là cố Đảng); Nguyễn Văn Vôi.
Thời thuộc Pháp, người Đồng Pho vẫn nêu cao tinh thần hiếu học, các gia đình đã cho con em theo học các thầy tại làng, hoặc mời về dạy tại gia.
Suốt thời Hán học, Đồng Pho đã nổi lên các làng hiếu học như làng Cựu, Bái, Hiền, Nghĩa Chính cùng các thầy Lê Bá Vét, Lê Sỹ Niệm, Nguyễn Tài Rệm, Lê Sỹ Biền, Lê Bá Minh, Lê Phú Mập, Lê Phú Chinh, Nguyễn Tài Cựu, Trần Viết Thấu, Nguyễn Bá Thấu …. Trong đó, Nguyễn Văn Đảng (cố Đảng) là người tiêu biểu.
Thời thuộc Pháp, người Đồng Pho vẫn nêu cao tinh thần hiếu học, các gia đình đã cho con em theo học các thầy tại làng, hoặc mời về dạy tại gia đình. Lúc này các em vừa học chữ Nho, vừa học chữ Quốc ngữ. Có những gia đình đã vượt khó khăn cho con em theo học tại trường Sơ học của tổng Thạch Khê đặt tại làng Hữu Bộc (xã Đông Ninh nay). Tuy nhiên, số học sinh rất ít ỏi vì số lớp cũng chỉ có từ 1 đến 2 lớp. Năm 1927, trường Sơ học ra đời trên quê hương Đồng Pho là sự nỗ lực lớn của nhân dân trong việc duy trì phát triển giáo dục. Trường đặt tại đình Thượng Thọ, Đồng Pho (Đông Hòa) nhưng cũng chỉ có 2 lớp và học sinh không quá 50 người.
Đến trước cách mạng tháng Tám, Đồng Pho chỉ có khoảng 10 người đỗ bằng tiểu học, vài chục người đỗ Sơ học yếu lược; số người học tiếp lớp trên rất ít ỏi. Số người biết chữ Quốc ngữ khoảng 292 người, số người mù chữ tới ngót 90%. Đáng chú ý là khi trường sơ học Thượng Thọ, Đồng Pho mới mở, số giáo viên đều do ngườ tỉnh ngoài về dạy. Vài năm sau đã có giáo viên người địa phương như các thầy Lê Phụ Loan, Nguyễn Tài Bồng, Nguyễn Bá Hiến, Lê Trọng Phao, Nguyễn Đăng Uyển .v.v.. Ngoài ra còn có một số giáo viên quê Đồng Pho dạy ở các nơi khác như thầy Lê Bá Châu, Nguyễn Bá Chầy, Nguyễn Tài Liên v.v… Lớp trí thức thời Pháp thuộc ở Đồng Pho sau này nhiều ngườ đã trở thành đảng viên đảng cộng sản, cán bộ cách mạng.
Từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, hưởng ứng phong trào giáo dục của Đảng, Chính Phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn lúc nào hết truyền thống hiếu học của ngườ Đông Hòa được phát huy mạnh mẽ. Phong trào bình dân học vụ được nhân dân hưởng ứng đạt hiệu quả cao đã tạo nền tảng cho việc phát triển giáo dục trên quê hương Đông Hòa. Từ đây, Đông Hòa ngày càng có nhiều người đỗ đạt với học vị cao, cử nhân đến tiến sĩ. Nguồn tri thức quý giá đó đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đát nước.
* Về văn hóa:
Là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, nơi đây từng là lỵ sở của quận Cửu Chân, là kinh đô thuở Lê Ngọc dựng cờ khởi nghĩa chống giặc phương Bắc nên từ lâu đời đát Đồng Pho cũng là nơi tụ hội của nhiều luồng dân cư trên mọi miền đất nước và có điều kiện để sớm trở thành địa điểm giao lưu, hội tụ nhiều sắc thái văn hóa dân tộc, làm giàu cho văn hóa quê hương.
Trong suốt chiều dài lịch sử, đất và người Đồng Pho (Đông Hòa) luôn giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa cha ông. Ý thức đó còn được lưu đậm nét trên quê hương Đông Hòa bởi nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như đền, chùa, nghè, đình; phong tục tập quán, truyện kể dân gian v.v.. 
Từ xưa, Đồng Pho với tục thờ cúng tổ tiên; tín ngưỡng thờ thánh nhiên, thiên thần, nhân thần có công với xóm làng, đất nước qua các thời kỳ lịch sử ở đền, nghè, chùa, đình làng đã trở thành nét đẹp văn hóa.
Tục thờ cúng tổ tiên (tại các gia đình, dòng họ) ở Đồng Pho đã được thực hiện với việc chọn nơi trang trọng nhất trong căn nhà của mình để đặt bàn thờ gia tiên. Đồng thời, gia đình nào chẳng may có người con gái chết trẻ thì lập bàn thờ riêng gọi lag bàn thờ bà cô. Mỗi gia đình nơi đây còn có tục thờ thổ công (thần đất) nhằm cầu mong nơi cư trú được bình yên.
Thờ cúng tổ tiên còn được thực hiện tại các dòng họ. Mỗi dòng họ ở Đồng Pho (Đông Hòa) đều có từ đường thờ tổ tiên hoặc trưởng tộc thờ phụng tại nhà. Đặc biệt, Đông Hòa có nhà thờ họ thờ phụng danh nhân có công với đất nước như Từ đường họ Nguyễn Đình thờ tiền tổ Nguyễn Chích – danh tướng bình Ngô khai quốc thế kỷ XV. 
Việc thờ phụng tổ tiên của các gia đình, dòng họ đã nêu cao đạo hiếu “Uống nước nhớ nguồn”, biểu hiện lòng tôn kính, biết ơn tới các vị tiền tổ. Qua đó giáo dục con cháu hướng về cội nguồn, nối tiếp truyền thống cha ông càng ra sức rèn luyện đức, tài đóng góp công sức xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh.
Hệ thống đền, nghè, đình chùa Đồng Pho (Đông Hòa) xưa thờ thần, phật rất cổ kính và kiến trúc khá lớn. Đó là đền thờ Lê Ngọc có công dựng ấp, lập làng, cùng nhân dân dẹp giặc phương Bắc vào thế kỷ thứ VII, được nhiều làng xã ở Đông Sơn trong đó có Đồng Pho tôn thờ là vị thành hoàng. Nghè thờ mẹ Lê Ngọc có công tích khai khẩn đất hoang, lập ấp phát triển trồng cây lúa nước (nằm ở xóm tân). Các miếu thờ thần khá nhiều như miếu Uy Linh thờ Thượng đẳng thần Hiển Hựu Lê Ngọc, Miếu Chiêu Khánh dựng năm 1653 thờ Thái bảo Lam quốc công; miếu Thượng Bổn xây dựng năm 1653 và lăng mộ bia ký thờ thọ quận công Nguyễn Đăng Khoa.
Nơi đây cũng là một địa điểm sinh hoạt phật giáo với ngôi chùa Vạn Phúc (còn có tên Phúc Hưng – nay chỉ còn là phế tích) có kiến trúc to lớn nguy nga; trước sân chùa có ao rộng thả cá, trồng sen hoa nở hương thơm ngào ngạt.
Đình ở Đồng Pho xưa có kiến trúc khá lớn, gọi là đình Thượng Thọ.
Đình Thượng Thọ tọa lạc trên một khuôn viên khá rộng, mặt quay hướng Nam (nằm ở trung tâm xã Đông Hòa). Đình có kiến trúc 5 gian 2 chái với diện tích 177,03 m2, sân đình lát gạch với diện tích 2.000 m2. Trước đình có ao dài 100m, rộng 60m thả sen, trên ao có thủy đình (nay không còn).
Qua khảo sát về đình chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc quý giá của nghệ thuật chạm khắc thuộc vào thế kỷ XVII. Họa tiết chạm khắc trên vì kẻ chuyền phía trước với chạm rồng ẩn hiện trên thân kẻ, đến mặt sau cột quân thì đầu rồng nhô ra, chầu đối diện nhau. Nách kẻ hạ được chạm đầu rồng, còn kẻ trung trước và kẻ sau chỉ chạm gờ chỉ, hoa lá. Lại chạm trổ ở phía dưới đuôi kẻ hình mã hóa long thế đang bay lên. Phía trên kẻ từ đầu cột hiên đến ngoài cột quân chạm nổi hình rồng uốn lượn trong mây, đầu nhô ra như đang vào vờn. Đầu nóc các vì được chạm mặt hổ phù, có đôi rồng quấn quít uốn lượn đầu nhô về phía trước; lại có đôi rồng uốn lượn từ phía trước vòng nóc lượn xuống gần đầu cột cái nhô đầu ra chầu nhau hướng vào giữa nhà. Bức chạm gian giữa là rồng chầu mặt trời, nét chạm sâu lượn tròn và chạm long thể hiện rõ nét kỹ thuật nghệ thuật kiến trúc đình làng thế kỷ XVII.
Về lễ hội tại đình Thượng Thọ xưa kia diễn ra hàng năm vào hai kỳ “Xuân – Thu nhị kỳ” rất sôi nổi. Sau phần lễ cầu phúc (cầu mưa thuận, gió hòa), làng mở hội với chiêu trò như hội vật , đánh cờ tướng .v.v.. Đặc biệt, cứ 3 năm (vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì thực hiện lệ rước thánh Ngũ vị từ Đồng Pho tới Nghè Sâm (xã Đông Xuân) để tiến hành hội lễ tế thần chung của ba tổng Tuyên Hóa, Quảng Nạp và Thạch Khê (Đông Hòa thuộc Thạch Khê). Đây là lễ hội vùng được gọi là “Trò Rủn” hoặc “Ngũ Trò” để tế thần “Ngũ vị” rất lớn và đậm đà sắc thái văn hóa xứ Thanh, trong đó có đóng góp của dân làng Đồng Pho. Do đó, ca dao vùng Rủn còn ghi lại đã chỉ rõ:
Ba năm một khóa trò lề
Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi
Ba năm một khóa trò chơi
Đông Tây Nam Bắc xin mời về đây
 Là vung đất cổ, đất Đồng Pho cũng là nơi có những đóng góp vào kho tàng văn học dân gian quý giá. Đó là những câu phương ngôn, tục ngữ, ca dao ca ngợi quê hương Đồng Pho. Trước hết là ca ngợi rọc nước tự nhiên bao quanh làng xã như một kênh điều tiết nước đã tạo điều kiện cho vùng trồng lúa Đồng Pho phát triển. Vừa diễn tả dọc nước quý giá này – một điều kiện đứng đầu trong sản xuất nông nghiệp trồng lúa (nhất nước) dân gian đã khéo so sánh với nơi lắm ao (Vạn Lộc) để chỉ rõ đặc điểm vùng đất nhằm giới thiệu về địa danh Đồng Pho:
Ao Vạn Lộc
Rọc Đông Pho
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp trồng lúa, người Đồng Pho đã đúc rút kinh nghiệm thành tục ngữ để truyền dạy theo cách lưu truyền qua các thế hệ đó là các câu chuyện dạy về cách làm đất và cấy lúa như:
Tháng 10 bừa ngấu
Tháng 6 hơn đêm
(Tức cấy nước hơn một đêm)
Hay câu:
Cấy dày hàng sông, cấy đông hàng con tròn cây lúa.
Nói về sự cần thiết của việc chọn giống và bón phân trong sản xuất nông nghiệp, người Đồng Pho khẳng định:
- Làm ruộng thiếu giống, sống như chết
- Chiêm Tép, mùa Ghi (Đây là hai giống lúa tốt ngày xưa)
Hay câu:
- Làm ruộng không giống, không phân
Cày bừa chi lắm nhọc thân con bò.
Truyện kể dân gian ở Đồng Pho (Đông Hòa) khá phong phú. Đó là các truyện kể thuở lập ấp, dựng làng của nhiều dòng họ nơi đây đã xây dựng quê hương thành vùng đất trù phú với sự phù trợ linh thiêng của các vị thánh thần. Trong các truyện kể dân gian tiêu biểu là truyện “Núi Chảy, sông Cày” nói về ông khổng lồ Tu Nưa gánh núi, tạo sông, dọn đồng. Một ông Nưa khổng lồ về sức khỏe và ý chí – biểu trưng cho sức mạnh của con người nơi đây thuở khai thiên, lập địa, tạo dựng xóm làng. Truyện kể về Lê Ngọc (Lê Cốc) -  người có công tích lớn lập ấp, dựng làng, xây dựng Đồng Pho thành lỵ sở quận Cửu Chân (Thanh Hóa). Đặc biệt 5 cha con Lê Ngọc đã lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm phương Bắc và hy sinh oanh liệt (vào thế kỷ VII, thời Tùy, Đường). Truyện kể về các danh nhân đã có công tích xây dựng quê hương, đất nước như hai võ tướng Cương Chính, Cương Nghị trung nghĩa, tiết tháo (Thời Lê – Mạc, khoảng Năm Quang Thiệu (1516 – 1521); Thọ Quận công Nguyễn Đăng Khoa góp nhiều công tích với quê hương, đất nước. Truyện về Lê Hồng Tiệm với tài học đã đỗ hương cống khi mới 17 tuổi …
Cùng với văn học dân gian, văn học viết đã sớm ra đời ở Đồng Pho – đó là văn bia. Tấm bia cổ “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo trường chi bi minh” (còn gọi Bia cổ Trường Xuân) ở Đồng Pho xưa (thuộc Đông Hòa, Đông Ninh) được coi là tác phẩm văn học viết đầu tiên ở Đồng Pho, Đông Sơn, Thanh Hóa và cả nước. Văn bia do Nguyễn Nhân Khí làm Kiểm hiệu quận Giao Chỉ, tán tự quận Nhật Nam sạn ca ngợi sự nghiệp và đạo học của Lê Cốc (Lê Ngọc). Trên đất Đông Hòa hôm nay, hiện còn lưu giữ hàng chục bi ký – là những tác phẩm văn học viết độc đáo được dựng tại đền miếu, chùa, đình… Trong đó đáng lưu ý là nhóm bi ký hiện còn lưu giữ tại đình Thượng Thọ. Đó là các bài văn bia “Đồng Pho xã bi ký” ca ngợi cảnh đẹp đình Thượng Thọ và làng quê Đồng Pho; “Hoàng Nguyễn Phúc thần bi ký” ghi tóm tắt nội dung các đạo sắc phong cho dòng họ Nguyễn Đăng ở Đồng Pho; “Tụ tập Uy Linh miếu bi ký” (tạo năm 1653 – thời Lê – trước đây dựng ở miếu Uy Linh) ghi công tích thần thượng đảng Cao tổ lê Ngọc và các thần khác được thờ ở Đồng Pho … Nội dung các bài văn bia trên đã phản ánh mọi mặt kinh tế, văn hóa, địa lý, lịch sử, đương thời của địa phương.
 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
451108

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289